Áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại: Làm gì để phát huy giá trị?
VHO- Chiều qua 22.12, Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo khoa học Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành Kinh đô áo dài Việt Nam. Nhiều đại biểu đã góp ý về xây dựng thể chế, chính sách để bảo vệ, tôn vinh và phát huy giá trị di sản áo dài; cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa bền vững.
Hội thảo “Phát huy giá trị áo dài thời Nguyễn trong đời sống đương đại, xây dựng Huế trở thành Kinh đô áo dài Việt Nam”
Áo ngũ thân Huế, tiền thân của chiếc áo dài Việt Nam, đang dần phục hồi vị thế là “biểu tượng” văn hóa trang phục truyền thống của người Việt. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, tiếp tục nhấn mạnh rằng: Hầu hết giới nghiên cứu đều thừa nhận Chúa Nguyễn Phúc Khoát chính là người đã chủ trương cải cách trang phục ở Đàng Trong và áo dài ngũ thân đã ra đời năm 1744. Sau khi đất nước thống nhất dưới vương triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã thống nhất trang phục Đàng Ngoài giống với Đàng Trong, theo mẫu hình bộ áo dài có thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và kiên trì thực hiện bằng các chỉ dụ từ năm 1826 đến 1837.
Phát huy giá trị áo dài và xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” là phục hưng một di sản văn hóa truyền thống, nhằm đưa di sản đó vào cuộc sống đương đại và để nó “tỏa sáng” như vốn đã từng. TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho rằng, sự tỏa sáng của “Kinh đô áo dài” không chỉ là thương hiệu về văn hóa mà còn là sự phát triển bền vững của Thừa Thiên Huế - một vùng đất giàu có về di sản nhưng đang còn có sự lúng túng giữa bảo tồn và phát triển. Năm 2019, trước đại dịch Covid-19, Thừa Thiên Huế đã đón hơn 4,85 triệu lượt khách, mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón khoảng 7 triệu lượt khách. Nếu Huế thực sự trở thành “Kinh đô áo dài”, để khoảng 40-50% số khách đến Huế may áo dài thì nguồn thu mang lại rất lớn. Chính vì thế, cần đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch di sản gắn liền với áo dài truyền thống. Sự kết hợp này sẽ là một lợi thế không nhỏ cho phát triển du lịch bền vững.
Đại diện Sở Du lịch cũng cho biết, trong thời gian, qua ngành đã chú trọng xây dựng các chương trình du lịch gắn với giá trị văn hóa truyền thống Huế, nghiên cứu đưa các sản phẩm như Ca Huế, ca múa Cung đình Huế, ẩm thực, các show diễn áo dài… vào phục vụ du khách. Sở đã phối hợp với các đơn vị xây dựng các chương trình trải nghiệm áo dài Huế trong các tour tuyến, các đợt khảo sát của đoàn famtrip và của các doanh nghiệp lữ hành khi đến Huế. Hiện nay, tour mặc áo dài ngũ thân trải nghiệm xích lô ngắm cảnh TP Huế hay tham quan di sản Huế đã được nhiều du khách đón nhận, đặc biệt là các bạn trẻ rất hào hứng.
Nhiều ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo cho rằng, để phát huy giá trị áo dài trong đời sống đương đại, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức làm công tác phục chế cổ phục; hỗ trợ các nghệ nhân, làng nghề về dệt, thêu, may đo… Đẩy mạnh giáo dục văn hóa di sản cho học sinh các cấp học trên địa bàn thông qua các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm thực tế. Tổ chức chương trình Áo dài Fashion Week- Huế hằng năm để thu hút những NTK trong và ngoài nước tham gia…
Hiện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang giao Sở VHTT xây dựng, hoàn thành hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho Áo dài Huế và tiến tới đệ trình UNESCO công nhận Áo dài Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
SƠN THÙY